NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN – TT THÍCH CHÂN QUANG – Phần 1

Với đề tài “NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN”, Thượng tọa sẽ giúp chúng ta trên đường tu luôn biết mình đang ở trình độ nào, không bị hiểu lầm. Bởi sẽ có những cảnh giới, những kết quả nào đó hiện ra làm cho ta lầm tưởng mình chứng rất cao. Dù không cố ý, ta vẫn mắc lỗi kiêu mạn ( lỗi “Tăng thượng mạn”), mà quả báo của cái lỗi này thì thật là nặng nề. Có khi chỉ vì một câu nói khoe khoang thôi mà ta trả quả ba mươi năm chưa hết. Cho nên trên đường tu, ta buộc phải luôn biết chính xác mình đang đi đến đâu.

Xưa nay trong nhà Thiền dễ bị mắc một cái lỗi đó là kiến giải luôn luôn đi trước, đi xa hơn trình độ thực chứng. Ví dụ một người chỉ đạt được chánh niệm tỉnh giác thôi, nhưng vẫn có thể lý luận như một vị A La Hán vậy. Cũng như ta ra tiệm cắt tóc, người thợ cắt tóc cũng nói về đủ chuyện của thế giới không thua gì một lãnh đạo quốc gia. Trong nhà Thiền cũng vậy, tu được đến mức độ thứ nhất thôi, mà kiến giải đã đến mức độ thứ mười rồi. Nên một hành giả tu thiền phải hết sức khiêm tốn và cảnh giác.

Trên những chặng đường Thiền, ta đi qua những bước căn bản sau:
+ Thứ nhất là đạo đức
+ Thứ hai là công đức
+ Thứ ba là khí công.

– “Đạo đức” trong tâm hồn được Phật gọi là giới hạnh. Đạo đức của một bậc Thánh thì hoàn hảo tuyệt đối, gồm ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh, con người thế gian không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, Phật gom hết đạo đức trên thế gian này vào trong một lời dạy ngắn, đó là phải “thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt”. Để vỡ ra được câu này thì ta phải tu vài trăm kiếp trở lên.

Thật sự có những khiếm khuyết về đạo đức, thậm chí những ý niệm rất nhỏ nhặt bình thường mà quả báo lại vô cùng thê thảm, ta không lường được. Mà khi đó thì đường tu chắc chắc bị chướng ngại. Cho nên, xây dựng đạo đức là căn bản ban đầu của hành trình tu Thiền. Bao lâu thì ta làm xong bước căn bản này? Ba mươi kiếp chưa chắc xong.

– Bước thứ hai là tạo “công đức” bằng việc cống hiến, phụng sự, giúp đỡ ai được điều gì, tử tế được chút nào thì ta không bao giờ từ chối. Có cơ hội làm điều phước nhỏ như một hạt cải cũng không bỏ qua.

Sự thôi thúc giúp đời, phụng sự Tam Bảo, xây dựng Phật pháp phải là ngọn lửa bừng cháy trong tâm ta không gì dập tắt được. Nhờ như vậy ta mới tạo thành vô số công đức. Mà trên con đường Thiền, ta tạo công đức bao nhiêu là đủ? Không bao giờ đủ, công đức phải đến vô biên.

Tuy nhiên, để bắt đầu tu thiền được thì ta chỉ cần ba năm, ba năm trau dồi đạo đức, ba năm tạo công đức, ba năm tập khí công nghiêm túc. Khi ấy tâm linh ta bắt đầu chuyển biến, tâm thức bắt đầu rạn vỡ, những kết quả đầu tiên của Thiền dần hiện ra.

Nhưng tại sao phải có bước thứ ba là “khí công”? Trước tiên, vì rèn luyện sức khỏe cũng là đạo đức. Sống trên đời, phải có sức khỏe thì ta mới phục vụ, cống hiến, mới có cơ hội giúp đời được, còn nếu yếu ớt thì ta phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Cho nên ai lười rèn luyện sức khỏe, đó là người chưa đạo đức.

Trong các động tác khí công có Âm Dương khí công, ngoài việc chữa được một số bệnh về cột sống, đĩa đệm, mất ngủ, làm trẻ hóa cơ thể v.v.. Còn tạo ra khí lực tiềm tàng cho cơ thể, củng cố luôn cho bộ não, làm ta sáng suốt, thanh tịnh và thông minh hơn.

( Còn tiếp)

Tuệ Đăng

Trả lời